Bài Chòi

Bài Chòi

GIỚI THIỆU VỀ BÀI CHÒI Bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Bài chòi là một trò chơi, trò diễn dân gian thường được […]

  • 7 - 9 người
  • 10 - 20 phút
  • 10 +
  • 0.5 / 5
button-evalute Đóng góp đánh giá

ĐÁNH GIÁ BOARDGAME

icon close
icon happyVui vẻ: 1
icon calculateTính toán: 1
icon timeThời gian: 1
icon foolLừa gạt: 1
icon complexityĐộ phức tạp: 1

Mô tả trò chơi:

GIỚI THIỆU VỀ BÀI CHÒI

Bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Bài chòi là một trò chơi, trò diễn dân gian thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán ở vùng Nam Trung Bộ mà cụ thể là từ Huế trở vào đến Ninh Thuận.

Vì là một trò diễn, một sinh hoạt cộng đồng sôi động nằm trong lễ hội Tết Cả (Nguyên Đán), bài chòi qua những biểu hiện của mình từ thời điểm, thể thức dựng chòi, thể thức chơi, cách hô hát trình diễn… mang tính biểu tượng văn hóa, luôn cuốn hút sự nghiên cứu giải mã biểu tượng của các nhà văn hóa học.

Bài chòi đã trở thành nét văn hóa dân gian truyền thống của miền Trung Việt Nam

Cách tổ chức hội Bài chòi ở mỗi địa phương có những điểm riêng, nhưng cũng có những điểm chung giống nhau, từ cách dựng chòi, con bài, anh Hiệu, trang phục, âm nhạc, hô con bài, làn điệu, cách chia bài, trao thưởng, cây nêu, nhà hội, treo cờ, trống chiêng, ngày tổ chức, ngày chấm dứt cuộc chơi…

a) Dựng chòi

Để tổ chức một hội Bài chòi, việc đầu tiên là dựng chòi. Tùy địa phương mà người dân dựng 9 hay 11 chòi theo “Bát quái đồ” hoặc “Thập Can” (ít dựng hơn), phổ biến nhất là 9 chòi. Hiện nay, việc dựng chòi để tổ chức hô/hát Bài chòi có nhiều cải biến, đơn giản hơn chỉ gồm một chòi chính dành cho anh Hiệu, còn lại là một vài chòi dành cho người chơi.

Cách chơi bài chòi dân gian
Để tổ chức một hội Bài chòi, việc đầu tiên là dựng chòi.

Trước khi dựng chòi, người dân làm lễ cúng đất, xin thổ địa cho phép động thổ để dựng chòi. Chòi ở Đà Nẵng dựng bằng 4 đoạn tre, có tạo bậc thang trèo lên chòi. Chòi cao bằng nhau, độ 2 mét, có giường tre, lợp hai mái bằng rạ, hoặc tranh, ba bên che kín, phía trước để trống.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Hai cột gần chỗ ngồi tạo mõ để gõ, thanh giường phía trước gắn một đoạn chuối nhỏ nằm ngang hoặc một cái ống nhỏ để cắm cờ tới cho các chòi con. Chòi Trung ương lớn gấp đôi chòi con, nằm ở giữa, cuối 2 hàng chòi con, đối diện với nhà Hội, đủ chỗ ngồi cho 5 đến 6 người. Nhà Hội làm ở đầu sân, rộng, có phản ngồi, bàn ghế để trà nước, rượu, bánh trái và quà thưởng… Khoảng đất trống giữa sân dựng 1 cây nêu bằng tre. Bên gốc cây nêu có cắm cọc, gắn ống đựng các con bài và anh Hiệu đứng cạnh đó để hô Bài chòi.

b) Bộ Bài chòi

Thẻ bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài, đầu dưới vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được, gọi là bộ bài trùng. Con bài làm bằng giấy bời, hình chữ nhật (2 x 8,5cm), in một mặt đồ án biểu trưng cho con bài và lưng phết màu đỏ sẫm.

Bộ bài chòi
Bộ bài chòi

Bộ thẻ gồm 30 lá bài, được xếp thành 3 pho: Pho Văn, pho Vạn, pho Sách, mỗi pho 10 con bài:

  • Pho Văn: gồm Tráng Hai (Nhì Bánh), Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rún (Ngũ Rốn), Sáu Miểng (Sáu Ghe), Bảy Liễu (Bảy Dây), Tám Miểng, Chín Cu, Chín Gối, Ông Ầm.
  • Pho Vạn: gồm Nhứt Trò (Học Trò), Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Móc (Tứ Gióng), Ngủ Trợt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa, Bạch Huê (Bạch Tuyết).
  • Pho Sách: gồm Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Sách, Ngủ Trưa (Ngủ Dụm), Sáu Hột, Bảy Thưa (Bảy Hột), Tám Dây, Cửu Điều, Tứ Cẳng.

Nếu chơi 9 chòi chỉ có 27 cặp, nếu chơi 11 chòi có 33 cặp. Vì vậy, người ta thêm vào 3 con bài xếp thành ba cặp yêu: Ông Ầm, Cửu Điều và Tứ Cẳng đều màu đỏ, khác với các con bài kia đều màu đen. Tuy nhiên, tên một số con bài đôi khi có những cách gọi khác nhau.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

c) Cách thức hô/hát Bài chòi

Để tổ chức một hội Bài chòi, người ta chuẩn bị hai ống đựng thẻ bài, ống bằng tre hoặc bằng gỗ, hình tròn. Mỗi ống gồm 30 lá bài trùng nhau từng đôi. Một ống làm bài tỳ và giao cho anh Hiệu để rút thẻ hô con bài. Còn ống kia để sau mỗi lần anh Hiệu hô con bài nào thì người lính phụ việc cầm con bài đó lên để cho người chơi nhìn rõ con bài vừa tới là gì, rồi treo lên trên cái giá làm bằng tre để ở giữa sân. Ngoài ra, còn chuẩn bị một bộ thẻ bài gồm 10 thẻ, trên mỗi thẻ có 3 quân bài, tương ứng với 30 quân bài trong bộ Bài chòi sử dụng để hô/hát. Khi các chòi đã có người chơi, mười thẻ bài này được chia (hoặc bán) cho người chơi, một người một thẻ, tương ứng với 3 quân bài.

Người điều khiển hội chơi Bài chòi là anh/chị Hiệu (người hô). Các chòi mua thẻ bài, anh Hiệu hô mở đầu cuộc chơi, hát giới thiệu về các con bài trong bộ bài chòi. Anh Hiệu xóc thẻ và bốc con bài, hát làn điệu bài chòi mang tên con bài đó, cuối lời hô/hát Hiệu xướng tên thẻ bài cho tất cả mọi người biết.

Mỗi con bài là một lời hô/hát. Anh/chị Hiệu hô đến khi chòi nào có đúng quân bài Hiệu đang hô thì người chơi gõ mõ hoặc xướng lên báo và nhận được một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Người chơi ở chòi nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) như lời Hiệu hô ứng trong tấm thẻ mình được phát thì hô “tới” và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum, trống cán ở chòi trung tâm đánh vang lên, nghĩa là người ở chòi đó đã thắng thì chấm dứt một ván/hiệp bài và tiếp tục một ván/hiệp bài khác.

Ở những địa phương không có nghệ nhân hô/hát bài chòi thì họ tổ chức chơi bài chòi với hình thức đơn giản hơn: không có anh Hiệu mà chỉ có người hô (không hát). Người hô xóc thẻ rồi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài người hô đọc (xướng) to tên con bài. Người nào có đúng quân bài đó thì xướng lên “ăn rồi” và được trao một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Người chơi ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô “tới”…

Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp/ván là hết một hội bài chòi. Điều đặc biệt, trong mỗi một hiệp/ván bài chòi không hát lặp lại lần thứ hai những con bài đã hô/hát ở ván trước. Nếu ở hiệp/ván sau thì cũng tên con bài đó nhưng hô/hát lời khác và chỉ lặp lại các từ Ới bạn mình ơi cộng với tên con bài sắp ra.

d) Anh Hiệu

Một điều hết sức đặc biệt trong mỗi hội chơi Bài chòi đó là vai trò của anh Hiệu – người điều khiển hội Bài chòi, được xem là linh hồn của cuộc chơi. Hội Bài chòi có sinh động, rôm rả, thu hút người chơi và người xem hay không phụ thuộc vào tài hô/hát của anh Hiệu. Trong mỗi hội Bài chòi ở Đà Nẵng, Hiệu thường là đôi nam nữ hát đối đáp, cộng thêm lối pha trò hài hước, tung hứng cùng nhau và có ứng tác đặc sắc, tăng thêm tính giao tiếp với người chơi khiến cho hội Bài chòi càng sôi nổi hơn.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Một anh/chị Hiệu giỏi phải là người hát hay, có tài ứng khẩu linh hoạt, có khả năng làm trò duyên dáng, có tính hài hước, nhanh nhẹn, thuộc hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng.

e) Tên gọi và hình vẽ trên lá bài

Tên con bài là những tên gọi nôm na, tinh nghịch, hài hước tiếng Nôm có, tiếng Hán có… mà khi đọc lên rất vui tai, ngộ nghĩnh, đôi lúc tưởng như tục tĩu, thô lỗ, nhưng vẫn rất tự nhiên: bảy giày, bảy sưa, ba gà, ba bụng, nọc đượng, năm rún, ông ầm, bạch tuyết (đôi nơi gọi là bạch huê, có khi còn gọi là con l…), tứ tượng, ngủ trưa… Có con bài gợi lên hình ảnh một anh nông dân chây lười, biếng nhác “Ngủ trưa, ngủ trượt”, có con lại gợi lên sự đanh đá điêu ngoa “Đỏ mỏ”, có con lại gợi lên hình ảnh gánh gồng của một đôi gióng nặng nợ “Tứ gióng”.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Các quân bài ở pho Văn sử dụng những hình vẽ gần gũi với lối hình học, có những miếng tròn như bánh xe, đồng tiền hay nửa đồng tiền. Quân bài thuộc pho Vạn thì đều vẽ mặt người. Các quân bài pho Sách lại vẽ những nút tròn nhỏ, giữa vòng tròn có những chấm đen, ngoài ra còn có những đường gạch ngang rất đều có thể hình dung như quấn tròn đều đặn bằng dây mây. Ba cặp bài yêu cũng có hình vẽ tương tự. Trên mỗi con bài không ghi tên, chỉ có hình vẽ làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài.

f) Bài bản và các làn điệu Bài chòi

Làn điệu hô/hát Bài chòi dựa trên sáu làn điệu chính: Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Cổ bản, Xàng xê cũ (lụy), Xàng xê mới (dựng), Hồ quảng (còn được gọi là hò quảng). Bài chòi xuân nữ: tha thiết trữ tình, thích hợp với lối tự sự giãi bày tâm trạng; Bài chòi xuân nam trong sáng khỏe khắn; Bài chòi xàng xê, buồn bã, bi thảm; Bài chòi Hồ quảng tươi tắn, phấn khởi.

Ở Đà Nẵng, Bài chòi còn tiếp thu những làn điệu khác: hò khoan, hát ru, vọng kim lang, vè quảng lý thương nhau, hò giã vôi, hoa chúc, các điệu lý như: lý hò hê, lý tình tang, lý vọng phu, lý vãi chài… Cộng với ảnh hưởng của lối hát lối nói tuồng mà hình thành nên những làn điệu bài chòi rất độc đáo. Bài chòi ở Đà Nẵng mang đậm tính dân gian và tích hợp được nhiều âm giai, âm hưởng của dân ca Quảng Nam, đặc biệt là lối vừa hô bài chòi, vừa hát.

Nghệ thuật diễn xướng cũng đóng một phần quan trọng làm nên thành công của một hội Bài chòi. Trong phần diễn xướng chủ yếu là xướng, bao gồm: nói lối, xuống hò và hát.

Nói lối: là hình thức mở đầu trong Bài chòi, nói có vần, có lối những bài thơ dân gian, hát tự do, không nhịp điệu, không tiết tấu. Mở đầu hội Bài chòi không phải lúc nào cũng nói lối, mà có thể có nhiều cách khác nhau: nói lối xuống hò vào hát, không xuống hò vào hát, không nói lối vào hát ngay, nói thường vào hát.

Xuống hò: sau nói lối là xuống hò, đóng vai trò lấy hơi, để ổn định điệu thức hoặc để “kết đoạn” sau một đoạn hát.

Hát (hô): hát Bài chòi từ lối chơi dần dần trở thành một hình thức diễn xướng dân ca, dùng thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát, thơ mới… Hát trên nền ngũ cung hơi nam giọng oán, với các làn điệu cổ truyền Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, Hồ quảng… những câu có thể ngắn, giản dị như những câu đố vui hoặc có thể dài mang tính chất tự sự, trữ tình…

g) Về thể thơ, kết cấu và ngôn ngữ

Bài bản của lời hô/hát Bài chòi đang thực hành ở Đà Nẵng là những bài thơ bốn chữ, năm chữ theo điệu vè và phổ biến nhất là thơ lục bát (6/8), lục bát biến thể, song thất lục bát.

Về kết cấu lời hô/hát Bài chòi thường được sáng tác theo một khuôn mẫu, đồng thời, có sự sáng tạo thêm trong từng hoàn cảnh của anh Hiệu. Bên cạnh đó lời ca bài chòi còn có kết cấu một vế đơn giản, và kết cấu hai vế theo dạng ca dao đố – giải.

Về ngôn ngữ, thổ âm địa phương được biểu hiện rõ nét trong lời hô/hát Bài chòi của anh Hiệu ở Đà Nẵng, đó là tiếng nói của người Quảng Nam. Ngôn ngữ trong lời hô/hát Bài chòi giàu tính hình tượng, mang tính tự sự và trữ tình cao, tạo sự liên tưởng cho người nghe để đoán định con bài sắp ra và hiểu được nội dung lời ca bài chòi biểu đạt nội dung gì.

h) Về tiết tấu và âm nhạc Bài chòi

Về tiết tấu, chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nhưng cũng có thể biến tấu.

Âm nhạc Bài chòi là thành phần quan trọng tạo ra phong cách Bài chòi ở mỗi vùng miền. Nhìn chung, ở Đà Nẵng nói riêng và Quảng Nam nói chung về âm nhạc Bài chòi có hai hình thức là nhạc hát (Hô Thai/Hô Bài Thai) và dàn nhạc đệm cho hát.

Về động tác sử dụng trong nghệ thuật hô/hát Bài chòi chủ yếu là những động tác giống như trong nghệ thuật hát tuồng, ngoài ra, còn có các điệu như múa sắc bùa, lục cúng, bát dạo…

i) Về nội dung lời hô/hát Bài chòi

Trong lời hô/hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp được những lời tự sự về sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế, hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời…

Có thể nói, hô hát Bài chòi đầu Xuân là một trong những nét văn hoá truyền thống dân gian rất độc đáo và mang tính đặc trưng của vùng đất và con người xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, thể hiện cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương, lưu giữ phương ngữ, phong tục, tập quán trong các câu hô/hát Bài chòi. Sinh hoạt Bài chòi là một hình thức giải trí độc đáo của người dân vào dịp Tết, lễ hội đình làng, lễ cúng tiền hiền hay lễ hội Cầu ngư,… trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Sinh hoạt Bài chòi mang tính cộng đồng cao trong diễn xướng và thưởng thức, góp phần tăng tính đoàn kết, cố kết cộng đồng, đưa con người xích lại gần nhau hơn, góp phần tăng cường sự đoàn kết, ổn định của xã hội. Nghệ thuật Bài Chòi còn thể hiện tính nhân văn ở nhiều khía cạnh khác nhau, như: tình phụ mẫu, tình thầy trò, chồng vợ, sự hiếu nghĩa…, giáo dục con người về đạo đức, nhân cách sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa,… hướng con người đến những giá trị, những chuẩn mực đạo đức cao đẹp.

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI CHƠI BÀI CHÒI

Muốn đánh bài chòi, người chơi phải đến ban tổ chức để ghi danh và sắp xếp vào Hội bài. Người xem đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya, lúc nào cũng rộn ràng âm thanh kèn trống, lôi cuốn thúc giục.

Sau một hồi trống khai mạc của ban tổ chức vang lên, người chạy bài mời những người chơi bước lên chòi bằng những câu hò:

Mừng ngày Nguyên Đán
Dân làng bè bạn
Khán giả gần xa
Vận may có sẵn đây mà
Ghé vô nhận lấy chậm là tuột tay
Nhanh chân chọn một chòi bài
Vận may ta đến hái lộc tài đầu xuân

Sau khi người chơi đã lên đủ ở các chòi, người chạy bài đặt các ống thẻ lên chiếc khay đến từng chòi.

CÁCH CHƠI BÀI CHÒI CHI TIẾT

Trên chòi, người chơi rút ngẫu nhiên số quân bài như quy định của luật chơi và chờ đợi con đi chợ. Người chạy bài sẽ rút một thẻ bài của bất kỳ mà chưa nêu tên con đó ngay mà sẽ dẫn cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến con bài dán trên thẻ. Chẳng hạn anh ta hô:

Đầu năm ta thử hên xui
Leo lên chòi bắc ta thử vận may
Cũng là góp tiếng pháo tay
Cho hội bài chòi làng được rộn vang
Mười một chòi đã sẵn sàn
Để nghe con sáu tiền mở hàng đầu năm.

Như thế con bài anh ta vừa rút khai cuộc là con sáu tiền, những người chơi bài đã biết trên chòi của mình có những con gì ngay từ ban đầu. Nghe hô “sáu tiền đi chợ”, chòi nào có con sáu tiền thì cốc cốc cốc cho tiếng mõ vang lên báo hiệu.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Người chạy bài chạy đến chiếc chòi có sáu tiền. Người trên chòi sẽ trao cho anh ta con sáu tiền thứ hai mình có và đi kèm theo một con bài khác nữa. Người chạy bài chưa vội công khai ngay tên con bài mới. Anh ta bước ngược, bước xuôi, pha trò những lời lẽ vần điệu có liên quan đến nó. Chẳng hạn đó là con gối anh ta sẽ xướng:

Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối mà mòn một bên

Chòi nào có bài trùng với con bài ấy, đáp lại bằng ba tiếng mõ. Anh ta lại bước đến chòi có tiếng mõ và được người trên chòi trao cho con bài đó kèm theo một con bài khác. Anh lại cầm con bài mới đọc, nói… trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người.

Tìm hiểu về Bài chòi
Tìm hiểu về Bài chòi

Khi chòi nào đó có quân bài tới, người chòi đó reo hò sung sướng, tiếng mõ liên hồi cốc cốc vang lên. Từ rạp chỉ huy, Ban tổ chức cho nổi lên hồi trống chầu báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Lúc này người chạy bài chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài, sau đó bưng đến chòi trúng thưởng chiếc khay đựng tiền thưởng (các suất tiền – xuất đặt thẻ bài) đi đến và trân trọng dâng lên cho chiếc chòi có người thắng cuộc. Thông thường phần thưởng chỉ phát từ 8 đến 10 suất, lưu lại một đến hai suất cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác.

Nguồn: thegioidisan.vn

DoThiTuyetLe
Game liên quan
Game quan tâm nhất